Đối với những người làm kinh doanh, để cạnh tranh với đối thủ, nhà quản lý phải có những chiến lược kinh doanh táo bạo. Một trong những ý tưởng được nhắc đến gần đây nhiều nhất, đó chính là chiến lược đại dương xanh. Khi áp dụng chiến lược này một cách đúng đắn thì có thể hạn chế việc cạnh tranh cũng như tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về chiến lược đại dương xanh, mời bạn đọc hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Chiến lược đại dương xanh là gì?
Đại dương xanh là biểu thị một khoảng trống của thị trường có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được ai khai phá. Ở những khu vực này, tính cạnh tranh chưa có nhiều và gay gắt bởi luật chơi chưa được thiết lập.
Do vậy, ta có thể hiểu rằng, chiến lược đại dương xanh là một chiến lược kinh doanh nhằm mở rộng thị trường mà không có bất kỳ sự cạnh tranh nào hoặc có cạnh tranh nhưng rất ít.
Phân biệt chiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ
Ngược lại với đại dương xanh, đại dương đỏ là khái niệm dùng để biểu thị các thị trường truyền thống. Nơi mà tập trung nhiều đối thủ khai phá, biên giới thị trường đã được thiết lập và chấp nhận. Do vậy, tính cạnh tranh ở đại dương đỏ bị đẩy lên rất cao.
Để hiểu rõ hơn về sự khác nhau giữa chiến lược đại dương xanh và đại dương đỏ, mời bạn đọc hãy theo dõi bảng so sánh sau:
Tiêu chí | Chiến lược đại dương đỏ | Chiến lược đại dương xanh |
Tính cạnh tranh | Có nhiều sự cạnh tranh | Rất thấp |
Đối thủ | Nhiều đối thủ | Ít đối thủ hoặc thậm chí không có đối thủ |
Thị trường | Khai thác thị trường đã có sẵn | Tìm kiếm, khai phá và tạo ra thị trường mới |
Giá trị và chi phí | Có sự đánh đổi | Không có sự đánh đổi |
Chiến lược | Chỉ sử dụng một trong 2 chiến lược: hoặc là khác biệt hóa hoặc là dẫn đầu về chi phí để tạo lợi thế cạnh tranh | Có thể sử dụng kết hợp giữa 2 chiến lược: khác biệt hóa và dẫn đầu về chi phí |
6 nguyên tắc cần nắm vững của chiến lược đại dương xanh
Vẽ lại biên giới thị trường
Khi áp dụng chiến lược đại dương xanh, các doanh nghiệp cần phải tìm cách thiết lập đường biên giới thị trường để từ đó đưa mình vào vùng đại dương xanh. Người quản lý cần:
- Định hướng sản phẩm thay thế: Doanh nghiệp thay vì chỉ nhắm vào sự thay thế của sản phẩm mà nên suy nghĩ lựa chọn cả những sản phẩm nhưng có hình thức, chức năng khác nhưng vẫn có khả năng dùng để thay thế.
- Định hướng theo các nhóm chiến lược ngành.
- Đáp ứng nhu cầu của những người tiêu dùng khác nhau (3 nhóm: người mua hàng, người ảnh hưởng và người sử dụng).
- Doanh nghiệp cần định hướng các sản phẩm theo những sản phẩm hoặc dịch vụ bổ sung.
- Cần chú trọng tới mức độ hấp dẫn về chức năng hoặc cảm xúc đối với người tiêu dùng.
- Nhà quản lý cần phải có định hướng theo thời gian, giá trị hiện tại và cả giá trị trong tương lai.
Tập trung vào tổng thể
Thay vì chỉ tập trung vào các bảng biểu, con số tách rời thì các nhà quản lý nên có cái nhìn tổng thể để có định hướng rõ ràng hơn về chiến lược thoát khỏi vùng cạnh tranh, tạo đại dương xanh. Nhà quản lý cần xây dựng sơ đồ tổng thể với yếu tố sau:
- Mô tả rõ ràng các yếu tố hiện tại và yếu tố tiềm năng trong tương lai mà có ảnh hưởng trong việc cạnh tranh giữa các đối thủ với nhau.
- Chỉ ra chiến lược của đối thủ hiện tại và các đối thủ tiềm năng, xác định rõ xem họ có chiến lược và những yếu tố cạnh tranh nào.
- Thể hiện giá trị của doanh nghiệp, tình trạng đầu tư vào những yếu tố cạnh tranh ở hiện tại và tương lai.
Vươn ra ngoài nhu cầu tồn tại
Đây là nguyên tắc đi ngược lại với các chiến lược truyền thống. Thay vì tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp sẽ tập trung hướng tới nhóm những người chưa bao giờ mua hàng.
Do vậy, thay vì bó buộc trong thị trường có sẵn như các chiến lược truyền thống, doanh nghiệp cần mở rộng thị trường để giảm thiểu cạnh tranh và thoát khỏi vùng đại dương đỏ hướng tới khu vực mới là đại dương xanh. Nhóm khách hàng mà doanh nghiệp có thể hướng tới là:
- Nhóm người có nhu cầu sử dụng sản phẩm nhưng đang đợi các sản phẩm tốt hơn để từ bỏ thị trường đang có trong hiện tại.
- Nhóm người đã từng từ chối sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Nhóm người chưa được khai thác do họ chưa có ý định mua và sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp.
Thực hiện chiến lược đúng theo trình tự
Để vận dụng chiến lược đại dương xanh, bạn cần phải đi theo một trình tự chuẩn xác. Doanh nghiệp cần phải trả lời được những câu hỏi dưới đây:
- Sản phẩm: Giá trị sản phẩm của doanh nghiệp mang đến cho khách hàng như thế nào? Sự khác biệt của sản phẩm so với các sản phẩm cùng ngành trên thị trường ra sao?
- Mức giá: Chất lượng sản phẩm có tương xứng với giá thành sản phẩm không? Mức giá này phù hợp với nhóm đối tượng nào?
- Chi phí: Chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra có giúp thu về lợi nhuận không?
- Trở ngại và rủi ro: Việc triển khai ý tưởng của doanh nghiệp sẽ gặp những trở ngại và rủi ro nào?
Vượt qua những trở ngại của tổ chức
Để thực hiện thành công chiến lược này, người quản lý phải đương đầu với 4 khó khăn chính:
- Nhận thức của nhân viên trong việc cần phải thay đổi.
- Nguồn lực bị giới hạn.
- Thúc đẩy nhân viên chủ chốt có động lực thực hiện việc thay đổi.
- Điều hòa các mối quan hệ giữa các nhóm quản lý trong doanh nghiệp.
Thực thi hóa chiến lược
Khi thực thi hóa chiến lược, doanh nghiệp cần chú trọng các yếu tố sau:
- Tính liên quan: Chiến lược này phải được thực hiện do tất cả các nhân viên trong doanh nghiệp. Tất cả phải có quyết tâm và có sự phối hợp chặt chẽ.
- Sự giải thích: Mọi quyết định khi đưa ra cần phải được lý giải rõ ràng, thuyết phục.
- Sự kỳ vọng: Xác định mức độ kỳ vọng của người quản lý đối với nhân viên.