Trong năm 2022, thế giới và cả Việt Nam đều đã bước qua một thời kỳ đầy hỗn loạn. Vậy trong năm 2023, đâu là những xu hướng định hình, đâu là những “giông bão”, những “ngày nắng đẹp” của nền kinh tế Việt Nam?
Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành sales và marketing, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc nghiên cứu hành vi khách hàng NielsenIQ, trong chương trình Táo Marcom 2022 của Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam (VMCC), đã đưa ra những nhận định rõ nét về bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong năm sắp tới.
10 xu hướng định hình nền kinh tế 2023
Theo nghiên cứu của NielsenIQ, nền kinh tế Việt Nam trong năm sắp tới sẽ trải qua 10 xu hướng nổi bật. Vậy những xu hướng này thể hiện điều gì? Thể hiện những giông bão trong thời gian qua và trong thời gian tới. Tuy nhiên, viễn cảnh đó cũng sẽ có những vùng trời đầy nắng, và đó chính là những cơ hội của Việt Nam trong năm 2023.
“Điều quan trọng đó là chúng ta ở đây không phải là để nói về bão, về ngày đẹp trời mà quan trọng là thế nào để chúng ta đi qua cơn bão và chúng ta ứng xử như thế nào trong những ngày nắng”, bà Đặng Thúy Hà nói.
Nếu nhìn vào bức tranh toàn cầu thì có thể thấy nhiều cuộc khủng hoảng, khủng hoảng về lương thực, về chuỗi cung ứng, hay câu chuyện về COVID, chiến tranh… Với tất cả những đứt gãy, chiến tranh như vậy, Việt Nam và thế giới vẫn đang hứng chịu tình hình lạm phát dai dẳng. Theo thống kê của NielsenIQ, trong năm 2022 có 83% các mặt hàng tăng giá so với năm 2019 và hơn một nửa số đó tăng trên 10%.
Tác động của lạm phát trong năm 2022 (Ảnh: NielsenIQ)
Lạm phát cũng sẽ kéo theo những vấn đề khác trong nền kinh tế. Nguyên liệu đầu vào, chi phí đang tăng cao, trong khi người dân khó có thể chấp nhận được mức tăng giá đó. Lượng tiêu thụ chậm, nguồn cung cấp nguyên liệu đứt gãy. Đó là những khó khăn chung mà doanh đã cùng chia sẻ trong năm vừa qua.
Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng chính là những người chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của Covid-19 và một năm đẩy biến động vừa qua.
Có 5 phân khúc người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trong Covid-19: nhóm đầu tiên là phân khúc những người cảm thấy không an toàn về mặt tài chính, đã gặp khó khăn trong COVID-19 và bây giờ vẫn khó khăn; nhóm thứ hai là những người đã từng rất khó khăn, từng mất việc và bây giờ dần dần quay trở lại hồi phục dần; nhóm thứ 3 là nhóm ít bị ảnh hưởng nhưng bắt đầu cẩn trọng, không biết là chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, Covid có quay trở lại hay không; nhóm thứ 4 là nhóm không bị ảnh hưởng nhiều lắm và nhóm thứ 5 không bị ảnh hưởng gì và đang hướng đến tích lũy kinh tế.
Niềm tin của người tiêu dùng vẫn chưa thực sự phục hồi sau Covid-19 (Ảnh: NielsenIQ)
Sau 2 năm Covid, tỷ lệ 2 nhóm đầu từ 43% nay chỉ còn 38%, rõ ràng tỷ lệ này đã cải thiện hơn rất nhiều so với năm 2021. Nhóm cẩn trọng cũng chiếm đến 38%.
Bà Thúy Hà cho biết: “Nếu nhìn các nhóm chi tiêu, chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng hơn về cách người tiêu dùng đang chi tiêu. Đây cũng là những điểm mà chúng ta cần phải quan sát, thấu cảm, thấu hiểu với khách hàng. Đương nhiên là trong thời kỳ khó khăn thì độ thay đổi chi tiêu của các nhóm là khác nhau, nhưng 3 nhóm đầu là 3 nhóm nhạy cảm, chi tiêu ít hơn, kể cả nhóm cautious (cẩn trọng) là nhóm có việc làm, có lương, có kinh tế nhưng họ đã chi tiêu ít hơn trong một số trường hợp”.
Thứ tư là những tác động kép đến từ thảm họa của thiên nhiên. Trên thế giới, những cơn bão lũ, sạt lở, hạn hán xảy ra rất nhiều. Tính riêng ở Việt Nam trong năm 2022 đã có 6 cơn bão và rất nhiều hiểm họa khác nữa, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và nền kinh tế.
Thứ 5, ở Việt Nam, dân số tăng trưởng khá cao. Dự kiến đến năm 2023, Việt Nam có khoảng 100 triệu người, đến năm 2050 thì dân số ở Việt Nam là 109 triệu người. Tuy nhiên, theo biểu đồ cây dân số thì rõ ràng dân số ở Việt Nam không còn là dân số trẻ nữa mà đang bắt đầu già hóa. Và điều này kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trong đó hai hệ lụy quan trọng nhất là hệ lụy về thiếu hụt nguồn lao động và gánh nặng trợ cấp sức khỏe.
Biểu đồ cây dân số của Việt Nam năm 2050 (Ảnh: Nielsen)
Năm vấn đề trên là những điểm tối, có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 2023, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ trải qua 5 xu hướng khác tươi sáng hơn.
Về lứa tuổi, trong thời gian tới, thế hệ gen Z, gen alpha sẽ là những nhóm dân số đem lại động lực cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế tiếp cận những văn hóa, sản phẩm và công nghệ mới, và chiếm đến 30% người tiêu dùng kết nối. Tính đến năm 2025, Việt Nam có tất cả 41 triệu người tiêu dùng kết nối, chi tiêu khoảng 99 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2015. Đó là một điểm sáng về con người, nht là những con người kết nối, luôn mơ ước được trải nghiệm, khám phá những điều mới.
“Sau 2 năm Covid vừa qua, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Họ suy lại nghĩ rằng: Họ sống vì cái gì? Tại sao họ lại làm việc vất vả như vậy? Vì vậy, họ để ý hơn đến một cuộc sống bền vững hơn. Ăn gì? Uống gì? Bôi gì trên mặt? Mặc gì trên người”, bà Thúy Hà cho hay.
Một trong những xu hướng nữa mà hiện tại rất nhiều người quan tâm đó là work-life balance (cân bằng giữa công việc và cuộc sống). Theo báo cáo của Nielsen, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam là một nước rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần.
Bà Thúy Hà nhấn mạnh: “Ngày nay, người ta hướng tới sự cân bằng, không chỉ là đi làm kiếm tiền nữa mà còn là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và trải nghiệm những hoạt động khác. Đây chính là thông tin mà các công ty cần lưu ý để cung cấp, hỗ trợ cho người tiêu dùng. Họ muốn bổ sung trọng lượng, bổ sung vitamin, muốn ăn nhiều rau xanh hay tập thể dục để trở nên khỏe mạnh hơn?”
Trong vòng 3 năm qua, doanh số bán lẻ và hàng hóa tiêu thụ nhanh của Việt Nam đã tăng trưởng tương đối nhanh, phát đi những tín hiệu tích cực cho thị trường Việt Nam trong những năm sắp tới. Đây là một chỉ số có ý nghĩa tương đối quan trọng, bám sát hướng phát triển của nền kinh tế.
Thị phần sản lượng doanh thu của Việt Nam so với các nước khác (Ảnh: Nielsen)
So với các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, kênh phân phối truyền thống của Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo. Trong 3 năm 2020, 2021 và 2022, kênh truyền thống của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, tương ứng 85%, 83% và 82%, mặc dù có xu hướng giảm dần. Trong khi đó, đối với những quốc gia khác, …
Và cuối cùng, công nghệ đóng vai trò rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của Nielsen về khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế số rất lớn. Với mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%.
Trong bối cảnh đó, Nielsen đã đặt ra 3 kịch bản của nền kinh tế số. Trong kịch bản bình thường, kịch bản tăng trưởng nhanh và kịch bản bứt phá, tỷ lệ đóng góp tương ứng của kinh tế số vào GDP quốc gia vào năm 2025 là 10%, 20% và 26%. Trong đó, tỷ lệ đóng góp từ ICT/viễn thông và kinh tế số Internet chiếm tỷ lệ chủ yếu, còn lại là kinh tế số ngành.
5 trụ cột để khác biệt hóa doanh nghiệp năm 2023
Dựa trên những nghiên cứu và số liệu đó, bà Thúy Hà cũng đề xuất 5 giải pháp giúp doanh nghiệp đối phó với khó khăn, đồng thời tận dụng cơ hội trong thời gian tới.
Giải pháp thứ nhất là đổi mới sáng tạo. Để đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần quan tâm đến động lực và phạm vi chuyển đổi. Doanh nghiệp cần lựa chọn giữa việc chuyển đổi dựa trên năng lực lõi hay chuyển sang khám phá một năng lực khác, một sản phẩm khác, một thị trường khác.
“Đây là một ma trận mà từ đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn mình là ai, mình sẽ tái định vị giá trị nào của mình? Mình là người thích nghi, người sáng tạo hay người mạo hiểm, muốn khám phá môi trường mới? Đó là câu chuyện lựa chọn chiến lược của chúng ta”, bà Thúy Hà nhấn mạnh.
Thứ hai, doanh nghiệp cần luôn tập trung xây dựng thương hiệu. Thương hiệu mạnh giúp doanh nghiệp cải thiện mức độ trung thành của khách hàng và nâng cao thị phần so với các thương hiệu trung bình, tăng khả năng bán chéo, bán kèm nhiều sản phẩm… so với các thương hiệu trung bình và yếu khác.
Thứ ba, theo báo cáo của Nielsen, Gen X, Gen Y và đặc biệt là Gen Z trong thời gian vừa qua đã dịch chuyển sự quan tâm sang kênh TikTok. Bà Thúy Hà nhận định, về chiến lược tiếp cận khách hàng, doanh nghiệp cần cập nhật và tận dụng thói quen tiếp cận thông tin của khách hàng, từ đó sử dụng những chiến lược sales và marketing hiệu quả, hợp lý.
Tại Việt Nam, Facebook, Zalo và Youtube là 3 kênh truyền thông phổ biến nhất với tất cả nhóm tuổi (Ảnh: Nielsen)
Thứ tư, doanh nghiệp cũng cần chú trọng vào nội dung kênh. Nội dung mà doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, bán hàng là news, social hay là content? Và đâu là kênh phù hợp với những nội dung đó, giúp doanh nghiệp tương tác tốt nhất? Doanh nghiệp nên đo lường và đánh giá những vấn đề đó để chọn nội dung và kênh đưa thông tin cho phù hợp.
Thứ tư, doanh nghiệp cần phải đồng hành và thấu hiểu với khách trong hành trình trải nghiệm khách hàng. Ba thông tin quan trọng doanh nghiệp cần chú ý đó là: Shoper là ai? Họ mua sắm ở đâu? Họ mua sắm như thế nào? Và tất nhiên là ngoài những kỹ năng truyền thống, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần có kĩ năng quản lý thông tin, để có thể thấu hiểu, dự báo được nhu cầu của khách hàng .
Cuối cùng, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao trải nghiệm nhân viên. Mỗi doanh nghiệp đều rất muốn nhân viên ở lại với mình, tuy vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ chú ý đến các khách hàng bên ngoài mà chưa quan tâm đến bên trong, khiến cho nhân viên chưa thực gắn bó với công ty.
Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng được niềm tin của nhân viên, khiến nhân viên nghĩ rằng đây là nơi mà họ sẽ cống hiến, nỗ lực không ngừng, trở thành giá trị lan tỏa giá trị và cuối cùng thành đạt dưới thương hiệu của doanh nghiệp… Dự báo đây là một trong những xu hướng giúp nâng tầm các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Nguồn: Theleader