Theo ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ngày 12.6 Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương. Trong đó vấn đề thương hiệu quốc gia, quản lý thương hiệu quốc gia được luật hóa và sẽ thực hiện ở cấp Chính phủ thay vì ủy quyền cho Bộ Công Thương thực hiện như trước đây. Phát triển thương hiện là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) thông qua phát triển thương hiệu” do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 21.6.
Nhiều DN đầu tư chưa đến 5% cho phát triển thương hiệu
Ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, thương hiệu đã trở thành tài sản vô hình giúp nhiều DN khẳng định vị thế trên thị trường. Đáng nói, hiệu quả t chương trình truyền thông thương hiệu quốc gia ra thị trường nước ngoài đã bắt đầu phát huy tác dụng. Một số nhà nhập khẩu đã quan tâm và cân nhắc hợp tác với các đối tác Việt Nam đạt thương hiệu quốc gia.
Tuy nhiên, bà Đào Thúy Hà – Giám đốc Marketing Công ty CP Traphaco cho rằng: “Vẫn có đến 80% DN đầu tư chưa đến 5% doanh số cho việc phát triển thương hiệu. Do đó, sản phẩm Việt dù có chất lượng cao vẫn chưa tìm được vị trí xứng đáng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế”.
Khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc Nielsen Việt Nam cho biết, có đến 80 – 90% ý kiến người tiêu dùng (NTD) nói rằng, nguồn gốc nhãn hiệu cũng quan trọng hoặc quan trọng hơn các quá trình điều khiển mua sắm khác. Do đó, chiến lược của DN cần phải xem khuynh hướng NTD với các nhóm khách hàng cụ thể, quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh để có chiến lược để phát triển dài hạn.
Cần nghiêm túc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng
Theo các chuyên gia, thương hiệu là bệ đỡ hiệu quả cho DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Alain Chevalier – Cố vấn cao cấp Chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Dự án SECO (Thụy Sỹ) khuyến cáo: xây dựng và phát triển thương hiệu rất khó khăn do đòi hỏi lớn cả về nhân lực, tài chính. Chưa kể tình trạng làm nhái, làm giả hàng hóa có thương hiệu đang rất khó kiểm soát.
Do đó, để phát triển thương hiệu bền vững, các DN cần nghiêm túc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng, định vị phân khúc sản phẩm, xác định mục tiêu thương hiệu một cách rõ ràng. Đăng ký và xây dựng thương hiệu phải qua nhiều công đoạn, tuân thủ nhiều quy định, DN cần tuân theo một cách chính xác, tham gia vào các hiệp hội ngành hàng nhằm có được sự bảo vệ từ phía các cơ quan chức năng, liên kết hỗ trợ lẫn nhau.
Trong khi đó, TS. Declan P Bannon – Đi học Anh tại Việt Nam cho rằng, các DN Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu, xác định mục tiêu, nghiên cứu mục tiêu để có chiến lược tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh, quan trọng hơn nữa là tập trung vào khách hàng thực chất của DN.
Nguồn: Báo Lao Động