Nam giới đối mặt khủng hoảng tuổi trung niên khi gặp những cú thức tỉnh và nỗi lo dồn dập

Có vẻ như Gen Y, những người nằm trong nhóm năm sinh từ 1980-1996 hiện dần bị các phương tiện truyền thông, thương hiệu “bỏ bê”. Vậy những người tiêu dùng ở lứa tuổi 35+ có những suy nghĩ, quan điểm trải nghiệm gì ở lứa tuổi được xã hội nhìn nhận là tuổi “ổn định”? 

Khi được hỏi về định nghĩa, nhóm đáp viên nam đều đồng ý tuổi trung niên bắt đầu từ mốc 40 tuổi. Đây là giai đoạn được đánh dấu bởi những cú sốc, sự lùi về và nhiều nỗi lo từ vi mô đến vĩ mô.

Để nói về từ “khủng hoảng”, cả 4 đáp viên đều cho rằng khủng hoảng có thể xảy ra ở bất kì độ tuổi nào. Khi chúng ta vấp phải nhiều khó khăn liên tiếp trong một giai đoạn và không thể giải quyết được theo đúng kì vọng của bản thân tại thời điểm đó, đấy chính là giai đoạn khủng hoảng.

Có một quan điểm khá hay được đưa ra trong phiên thảo luận cho rằng khủng hoảng thật ra chỉ là cái cớ cho sự trái tính trái nết của tuổi xế chiều. Hành động này cũng giống như việc đổ cho tháng cô hồn khi có chuyện không hay xảy ra vào tháng 7 âm lịch hằng năm. Nhìn chung, các anh đều cho rằng gọi là khủng hoảng tuổi trung niên nghe có phần nặng nề. Thực chất có thể xem đây là giai đoạn có nhiều nỗi lo, cú thức tỉnh liên tiếp khiến người đàn ông phải suy nghĩ nhiều hơn so với tuổi đôi mươi.

“Những nỗi sợ tuổi 40 trở nên vừa mơ hồ, vừa rõ ràng”

Nhận thấy từ khoá “nỗi sợ”, “trăn trở” sẽ là cách diễn tả phù hợp hơn, chị Huyền đã đặt câu hỏi đào sâu rằng những nỗi sợ của các đáp viên nam là gì? Sau những chia sẻ, có 4 nỗi sợ, trăn trở được “điểm mặt gọi tên” như (1) sợ bị so sánh, (2) hoang mang trước những thay đổi tâm sinh lý, (3) thức tỉnh bởi sự hữu hạn của thời gian và (4) nỗi bế tắc khi mục tiêu cuộc đời trở nên mơ hồ.

Ở tuổi 40, những kì vọng về bản thân và từ những người xung quanh sẽ khác rất nhiều so với những năm 30. Ở lứa tuổi này, đáp viên A chia sẻ rằng khi không thể đáp ứng những kì vọng “cơ bản” như sự nghiệp, tài chính, gia đình, người đàn ông dễ cảm thấy bế tắc. Lúc này, nỗi sợ bị so sánh chuyện sự nghiệp, tài sản, gia đình cũng là một yếu tố khiến họ “đau đầu”. Tùy vào năng lực nội tại mà họ có thể trải qua khủng hoảng từ nhẹ đến nặng. Với những người tâm lý vững vàng, họ vẫn có thể “cháy” hết mình đến tận năm 60 tuổi. Dù vậy, cũng có những người rơi vào trầm cảm, dễ nóng giận, cáu gắt, hay còn được gọi với một cụm từ bình dân hơn “trái tính trái nết”.

Ở tuổi 40, cánh mày râu đối mặt với những thay đổi về tâm sinh lý và “chống chọi” với những kì vọng từ chính bản thân và xã hội.

Một nỗi trăn trở khác cũng được điểm mặt gọi tên là những nỗi niềm về sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi xế chiều – chiếm 50% những khủng hoảng ở độ tuổi này. Bởi phần lớn cánh mày râu đều sẽ hoang mang “nhẹ”. Nếu người đàn ông chưa thể tìm câu trả lời cho những thay đổi, từ mức bế tắc họ có thể trở nên khủng hoảng với chính những thay đổi từ bên trong.

Bên cạnh câu chuyện thay đổi về tâm sinh lý và “chống chọi” với những kì vọng từ chính bản thân và xã hội, nhóm đáp viên cũng dành thời gian trao đổi về những cú thức tỉnh họ nhận ra ở tuổi 40.

Đó là sự giật mình về tính hữu hạn của thời gian. Nếu những chàng trai tuổi 20, 30 vẫn còn tâm lý bình thản với quỹ thời gian tưởng như vô tận của tuổi trẻ, đàn ông ở tuổi 40 sau khi trải qua những chuỗi biến cố sẽ ý thức rất rõ về quỹ thời gian ít ỏi còn lại của bản thân cho những dự định và cho gia đình. Đáp viên B bộc bạch rằng sau buổi nói chuyện với một người bạn, anh cảm thấy hơi “nổi da gà” khi nhận ra bản thân chỉ còn khoảng 10.000 ngày (nếu tính đến năm 70 tuổi) cho những dự định của bản thân và cho gia đình. Thậm chí, họ cảm nhận thấy thời gian của bố mẹ mình còn ít hơn khi số lần đưa ông bà vào bệnh viện ngày một nhiều lên. Đó là một nỗi lo có thật và rất ám ảnh.

Chính vì thấy được thời gian của bản thân đang đếm lùi, họ dần quan tâm hơn đến gia đình (bố mẹ, con cái, bạn đời). Nỗi sợ không được nhìn thấy bố mẹ nữa, lo lắng về vấn đề sức khỏe của bản thân và các thành viên trong gia đình trở nên mơ hồ nhưng cũng rất rõ ràng. Mơ hồ bởi họ không biết khi nào những nỗi trăn trở đó xảy đến, rõ ràng ở điểm họ xác định những nỗi lo đó là có thật. Do đó, ở tuổi 40, họ dần trở nên hướng nội, duy trì các mối quan hệ có chọn lọc hơn cũng như ý thức chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Những tưởng châm ngôn “live to the fullest” (tạm dịch: sống đầy từng khoảnh khắc) thường được giới trẻ sử dụng, một nhóm những người đàn ông tuổi trung niên cũng đang cố gắng tối ưu quỹ thời gian của bản thân để có thêm thời gian dành cho gia đình, cho những dự định ở chương tiếp theo của cuộc đời.

Một “nỗi sợ” khác cũng lớn không kém đó là không xác định được mục tiêu nỗ lực trong chặng tiếp theo của cuộc đời. Khi đã tick hoàn thành vào đủ các ô mục tiêu của tuổi trẻ, đàn ông tuổi trung niên tiếp tục phải đối mặt với câu hỏi “làm gì tiếp theo?”. Trong trường hợp lý tưởng khi gia đình, con cái, sự nghiệp đều đã đạt được những thành tựu nhất định, nỗi lo lắng, hoang mang khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên còn đáng sợ hơn tình trạng FOMO của tuổi 20. Việc không còn những mục tiêu để tiếp tục chinh phục sẽ dễ dẫn đến tâm lý chán nản, bế tắc. Lúc này, câu hỏi “tiền nhiều để làm gì?” có lẽ diễn tả chính xác nhất sự trăn trở của đàn ông tuổi trung niên.

Anh C – đáp viên tham gia buổi chia sẻ – đồng cảm với “khủng hoảng” này khi cả vợ và anh đều đang loay hoay trong vòng xoáy kiếm tiền và rồi không biết làm gì tiếp theo. Khi vợ dần đi làm về trễ nhiều hơn đã nhen nhóm trong anh nỗi lo về hạnh phúc gia đình. Anh đã tự hỏi hai vợ chồng vì sao phải bôn ba, “cày cuốc” cật lực như vậy? Liệu tình cảm gia đình sẽ như thế nào nếu các thành viên không có nhiều thời gian dành cho nhau? Và liệu kiếm tiền miệt mài như hiện tại có còn là đích đến, mục tiêu mà anh thật sự muốn đạt được nữa hay không?

Một vấn đề ngoài luồng cũng được thảo luận trong phiên chia sẻ là câu chuyện ngoại tình. Cả 4 đáp viên đều đồng tình rằng ngoại tình thường hay xảy ra với cánh mày râu ở tuổi trung niên. Tuy nhiên, lý do cho những mối quan hệ ngoài luồng thường không chỉ xuất phát từ những hấp dẫn về mặt ngoại hình đơn thuần hay câu chuyện sinh lý mà bắt nguồn từ cảm giác được thấu hiểu, được đồng cảm. Mặt khác, ở tuổi đã ổn định về các mặt sự nghiệp, tài chính, gia đình, cảm giác phiêu lưu dần bị mất đi. Lúc này, nam giới sẽ cảm thấy những mối quan hệ mới giúp mang đến cảm giác phiêu lưu, những niềm vui, trải nghiệm mới.

Sau phần chia sẻ về những trăn trở, chị Huyền thắc mắc rằng liệu những “nỗi sợ” tuổi trung niên có đặc trưng về giới tính? Các đáp viên cũng đồng tình và cho rằng phụ nữ tuổi tứ tuần sẽ có những “khủng hoảng” khác so với đàn ông.

Nếu nam giới chịu áp lực lớn hơn về chuyện sự nghiệp, về việc trở thành trụ cột, người tạo ra thu nhập chính, các đáp viên đoán phụ nữ cùng độ tuổi sẽ ưu tư về sức khỏe, đặc biệt là nhan sắc nhiều hơn. Các đáp viên cho biết đàn ông ở tuổi này thường buông xuôi ngoại hình, chỉ quan trọng sức khỏe. Hoặc có một vài người vẫn sẽ để tâm đến ngoại hình ở một mức độ nhất định đơn giản vì sĩ diện.

“Có lẽ hình ảnh một người đàn ông thành đạt, lịch lãm sẽ thu hút chúng tôi”

Khi bàn về những thương hiệu có khả năng thu hút sự quan tâm, kết nối tốt với nhóm người tiêu dùng 40+, cả 4 đáp viên đều liệt kê những thương hiệu có sản phẩm thuần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của độ tuổi này gồm: (1) sản phẩm chức năng bảo vệ và cải thiện sức khỏe (sâm Alipas), (2) các sản phẩm bảo hiểm vẽ được viễn cảnh, giải pháp cho những trăn trở về sức khỏe, đầu tư dài hạn, (3) những thông điệp truyền thông đánh vào gia đình, khoảnh khắc sum vầy hoặc (4) các sản phẩm công nghệ giúp tiết kiệm thời gian làm việc nhà.

Ngoài ra, về mặt cảm xúc, hình ảnh những người đàn ông lịch lãm, trầm ổn và thành đạt như thương hiệu Rolex sẽ có khả năng cao thu hút được sự chú ý, tạo được kết nối về mặt cảm xúc cao hơn trong nhóm người tiêu dùng nam giới 40+.

Kết

Tạm tổng kết lại, tùy vào hiện trạng gia đình, sự nghiệp, tình cảm mà mỗi người đàn ông tuổi trung niên sẽ trải qua những chuỗi trăn trở, thức tỉnh khác nhau. Nếu họ là những người vẫn đang trong hành trình hoàn thành những mục tiêu sự nghiệp, đó sẽ là những trăn trở xoay quanh câu chuyện cơm áo gạo tiền, trở thành trụ cột trong gia đình. Nếu đã hoàn thành những mục tiêu trong danh sách việc cần làm của tuổi trẻ, họ sẽ có những nỗi sợ “vĩ mô” hơn về mục đích sống, mục tiêu cho chương tiếp theo của cuộc đời.

Nguồn: Brandsvietnam

Liên hệ: 097.316.2083

logo-zalo-vector

Chat với chúng tôi qua Zalo

Email: huy.do@insigne.com.vn

ĐĂNG KÝ TẢI TÀI LIỆU MIỄN PHÍ

Vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ để hỗ trợ bạn sau ít phút!